Ba thói quen ‘bào mòn’ dạ dày
Hằng ngày, bác sĩ Hà Vũ Thành - Khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), đều gặp các bệnh nhân còn rất trẻ đến khám với nỗi lo lắng viêm loét dạ dày, thậm chí bệnh đã âm thầm tiến triển sang ung thư. Điều đáng tiếc, người dân còn chủ quan với bệnh lý này. Trong khi đó, dạ dày là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong hệ thống tiêu hóa. Viêm dạ dày là bệnh phổ biến trong cuộc sống.
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng viêm loét tổn thương ở dạ dày, niêm mạc tá tràng (phần đầu của ruột non). Nhiều trường hợp bị bệnh nhưng không có triệu chứng, khi có xuất huyết tiêu hóa mới biết.
Bác sĩ Thành cho biết, viêm dạ dày được phân loại dựa trên vị trí tổn thương niêm mạc: tâm vị, thân vị và hang vị.
Ăn uống thiếu khoa học là thói quen xấu gây viêm dạ dày. Ảnh minh họa: CT
Bệnh cũng có thể phân loại theo tình trạng. Với viêm dạ dày cấp tính, khi nội soi, bác sĩ sẽ thấy tình trạng viêm trợt cấp, viêm trợt lồi. Viêm dạ dày mạn tính phụ thuộc mức độ teo dạ dày. Có bệnh nhân mất chức năng niêm mạc dạ dày, dị sản hang vị, thân vị dạ dày. Loét dạ dày có thể lành tính nhưng không điều trị có thể chuyển sang ác tính.
Theo bác sĩ Thành, tỷ lệ viêm loét dạ dày ở người trẻ tăng lên do các yếu tố sau:
Thứ nhất, hút thuốc lá và bia rượu. Trong khói thuốc có 200 chất gây hại cho sức khỏe con người. Nicotine trong thuốc lá gây tăng tiết cortisol là tác nhân tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Các chất độc hại khác cũng gây tổn thương, co thắt mạch máu ở dạ dày gây thiểu dưỡng, tổn thương dạ dày.Thứ hai, căng thẳng thần kinh, stress kéo dài ảnh hưởng tới bài tiết axit trong niêm mạc dạ dày.Thứ ba, thói quen ăn uống sinh hoạt không điều độ như thức khuya, ăn không đúng giờ giấc, bỏ ăn sáng, bỏ ăn tối, lười vận động. Đặc biệt, do áp lực công việc, nhiều người có thói quen ăn quá nhanh, ăn vội vàng, gây hại dạ dày.
Nguyên nhân trực tiếp gây viêm loét dạ dày, tá tràng là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và sử dụng các thuốc chống viêm trong điều trị viêm khớp, các bệnh đau dây thần kinh.
Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ chui vào lớp nhầy ở niêm mạc dạ dày và tiết ra các độc tố làm mất chức năng của các chất nhầy này.
Các dấu hiệu viêm loét dạ dày
- Đau vùng bụng thượng vị: Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh. Ở người bị loét tá tràng, cơn đau xuất hiện vào lúc đói còn loét dạ dày, cơn đau xuất hiện khi ăn no. Cơn đau hay gặp nhất là nửa đêm về sáng hoặc khuya.
- Đầy bụng khó tiêu: Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng do dạ dày tổn thương, hoạt động tiêu hóa chậm lại nên bụng thường căng chướng.
- Ợ hơi, ợ chua hoặc nóng rát ở vùng thượng vị: Đây là dấu hiệu hay gặp trong thời kỳ đầu. Nếu bệnh nhân nóng rát thượng vị có thể đã mắc thêm trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, một số bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy, mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Tuy nhiên, những dấu hiệu trên chỉ mang tính chất gợi ý.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ Thành cho biết người bệnh cần nội soi dạ dày tá tràng bằng ống mềm. Khi đó, bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị cụ thể. Khi điều trị viêm loét dạ dày, bác sĩ chỉ định dùng các thuốc giảm tiết axit, dương tính với vi khuẩn HP sẽ uống thêm kháng sinh.
Nếu ở thời kỳ sớm, việc điều trị dễ dàng hơn, người bệnh chỉ cần 2 tuần uống thuốc. Nếu có loét dạ dày, thời gian điều trị từ 4 đến 6 tuần. Viêm dạ dày ở giai đoạn mạn tính điều trị lâu hơn, có thể chuyển biến thành ung thư dạ dày.
Người viêm loét dạ dày tá tràng cần thay đổi lối sống, hạn chế các thực phẩm dễ gây kích thích như bia rượu, thuốc lá, đồ ăn chiên rán.
Phương Thúy
Tags:‘bào mòn’ dạ dày
cơ quan tiêu hóa
Tin cùng chuyên mục