ngoi sao, bao ngoi sao
19/12/2020 10:14

Đá lát vỉa hè hư hỏng ở nhiều tuyến phố


Hà NộiNhiều tuyến phố lát vỉa hè bằng đá tự nhiên được cho có tuổi thọ lên đến 70 năm, nhưng đã bị nứt vỡ sau sau vài năm sử dụng.

Gần đây vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuống cấp dù mới được triển khai chỉnh trang, lát đá như đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Chiểu... Trong đó, dự án cải tạo vỉa hè đường Nguyễn Trãi đoạn từ Cầu Mới, Ngã Tư Sở đến ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến triển khai năm 2017. Vỉa hè được bó, lát bằng đá xanh tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm, mặt hè lát đá kích thước 40x40 cm, độ dày đá 4 cm, bề mặt nhám chống trơn trượt.

Sau ba năm, đến nay tại tuyến đường này nhiều đoạn bề mặt vỉa hè đã bị bóng tróc từng mảng lớn, cách vài chục mét lại có một điểm lún nứt, đá bó vỉa cũng bị rạn nứt.

Đá lát vỉa hè hư hỏng ở nhiều tuyến phố

Một điểm đá vỡ nát trên tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Tất Định.

Đoạn vỉa hè bị xuống cấp nặng nhất là nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, bề rộng hơn 10 m, nhiều điểm đá bị lật tung để lộ lớp vữa bở vụn. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm trong ngày, hàng trăm người điều khiển xe máy lao lên vỉa hè, thậm chí nhiều nơi trên vỉa hè thành chỗ đậu ôtô.

"Vỉa hè lúc vừa làm xong nhìn sạch sẽ nhưng đơn vị thi công không rào lại, xe cộ đi lên, nhiều viên đá bị nứt sau chưa đầy một tháng", bà Lê Thị Lư, 67 tuổi, bán nước chè ở khu vực gần ga đường sắt trên cao Khuất Duy Tiến, nói.

Đá lát vỉa hè hư hỏng ở nhiều tuyến phố

Trong lúc công nhân thi công lát đá, các phương tiện vẫn dừng, đỗ trên vỉa hè ở đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Võ Hải.

Ông Trần Thành Thông, 65 tuổi ở phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), cho rằng nguyên nhân vỉa hè đá xanh bị xuống cấp "do đơn vị thi công đã không gia cố nền chắc chắn".

"Đây là trục đường chính đi vào trung tâm thành phố, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Thêm vào đó, khu vực có nhiều công trình xây dựng, xe tải ra vào thường xuyên, dù đá tốt đến đâu cũng không thể chịu được. Tôi nghĩ thành phố nên tính toán lại, chỉ lát đá xanh ở những tuyến đường dành cho người đi bộ", ông Thông chia sẻ.

Tình trạng đá lát vỉa hè bị vỡ vụn cũng xảy ra tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng, khu vực các hố cáp viễn thông, đá bị lật lên vứt ngổn ngang, nhiều đoạn bị lún nút, vỡ nham nhở.

Còn tại phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), nơi có điểm trông giữ xe tạm, nhiều vị trí lát đá chưa hoàn thiện, có chỗ vừa lát xong hàng loạt ôtô đã lao lên dừng đỗ khiến người dân sinh sống ở khu vực này bức xúc.

Vừa đi vừa tránh ôtô đang lùi lên vỉa hè mới lát đá, bà Bùi Thị Xuân ở phường Thành Công (quận Đống Đa) nói "muốn vỉa hè không hư hỏng thì ngoài đảm bảo chất lượng vật liệu, thi công, chính quyền cần xử phạt thật nghiêm các tài xế lái ôtô lên vỉa hè".

Đá lát vỉa hè hư hỏng ở nhiều tuyến phố

Ôtô đỗ trên vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa). Ảnh: Võ Hải.Trước tình trạng vỉa hè mới chỉnh trang lát đá đã xuống cấp nhiều nơi, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng các dự án đã và đang thi công đều do UBND các quận, huyện, thị xã quyết định đầu tư. Do đó, các quận, huyện có trách nhiệm quản lý từ khâu thiết kế, phê duyệt thiết kế, thi công, giám sát và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Riêng vỉa hè ở tuyến đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói vật liệu không phải đá tự nhiên mà lát gạch giả đá. Tuyến phố này được lát từ trước năm 2018, theo thiết kế mẫu hè phố đô thị cũ, sau đó thành phố đã ban hành quyết định thay thế và rút kinh nghiệm quá trình triển khai lát vỉa hè trước đây.

Đầu tháng 12, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện đôn đốc việc đảm bảo chất lượng thi công lát đá vỉa hè; đề nghị nghiên cứu lựa chọn sử dụng nhóm đá có độ bền uốn cao hoặc tăng chiều dày tấm đá lát, quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các loại đá lát.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây, việc lát đá vỉa hè còn nhiều tồn tại do quá trình thi công không đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật; nhân công làm việc không có tay nghề.

Theo ông Nghiêm, để đảm bảo chất lượng lát đá vỉa hè thì "quan trọng nhất là khâu giám sát thi công". Chủ đầu tư và nhà thầu phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật và "không được làm ẩu, làm vội, làm đến đâu chắc chắn đến đó sẽ đảm bảo được tuổi thọ của đá lát vỉa hè".

Từ cuối năm 2016, nhiều quận nội thành Hà Nội đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, được cho có thể sử dụng 50-70 năm. Tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), rồi tới Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng... Song mặt đá lát sau vài tháng đã bong tróc, gãy nát.

Lãnh đạo thành phố chỉ đạo dừng các dự án chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè để rà soát; giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Kết luận thanh tra vào tháng 2/2018 nêu một số bất cập trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất dẫn đến các dự án sử dụng kích thước đá khác nhau, ảnh hưởng chất lượng; thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công; một số mẫu đá lát hè không đảm bảo theo thiết kế...

Đầu năm 2019, thành phố ban hành quyết định "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn". Sau đó, 15 quận, huyện, thị xã đề xuất lát đá vỉa hè gần 300 tuyến đường.

Tất Định - Võ HảiTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Tags:

Lát đá vỉa hè

đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm

Hà Nội

Dân sinh

Ghi nhận

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục