Ngành y tế phải xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).
Cùng dự có lãnh đạo Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo một số Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hơn 3 năm qua, chúng ta bước vào cuộcchiến chống dịch Covid-19. Đó là cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ.
"Trong lúc chúng ta không có vũ khí để chiến đấu lại kẻ thù vô hình này, kẻ thù nhìn không được, nghe không được, sờ không thấy… nhưng rất nguy hiểm", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong thời khắc cam go đấy, hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh. Họ là những chiến sĩ áo trắng tạm gác lại việc nhà, việc mình, sẵn sàngđối diện hiểm nguy, cùng cả nước ngăn chặn đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
"Những nỗ lực cống hiến hy sinh đó mang lại thành quả chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện trong năm 2022 như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát kiểm soát mức thấp, tăng trưởng kinh tế mức cao", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát, trong năm 2022, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi sau về trước có tỷ lệ bao phủ hiệu suất sử dụng vaccine cao.
Ngoài kiểm soát dịch Covid-19, ngành y còn ứng phó hiệu quả các dịch khác, không để dịch chồng dịch; hoạt động khám, chữa bệnh hồi phục nhanh sau dịch; công tác an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, nhất là dịp Tết không để xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
Ngành y cũng đã điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và cơ sở lên mức 100%; nhiều lĩnh vực y tế chuyên sâu, mũi nhọn của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao như phẫu thuật nội soi tuyến giáp, ghép tạng, can thiệp tim mạch…
Thủ tướng đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật của đội ngũ y bác sĩ và những kết quả của ngành y tế đã được trong năm 2022.
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chếyếu kém
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả đạt được thì phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém cần quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả của ngành y tế.
Đó là đội ngũ cán bộ còn nhiều người mắc khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật; thể chế còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết, quản lý sử dụng tài sản công, xây dựng một số bệnh viện tiến độ còn chậm, thậm chí có thể có tiêu cực trong đấy.
Năng lực hệ thống y tế cơ sở, dự phòng còn hạn chế, có khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế giữa các vùng, miền, địa phương, công và tư; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục; chất lượng phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế chưa đạt yêu cầu; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, sinh phẩm chưa được giải quyết dứt điểm; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế chưa được cải thiện.
Còn xuất hiện tình trạng bỏ việc, nghỉ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập; còn tình trạng một bộ phận người dân không hài lòng với tinh thần thái độ phục vụ của các cơ sở y tế công lập; quảng cáo sai sự thật về thực phẩm, thuốc, đặc biệt là trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.
"Quảng cáo gì mà một loại thuốc chữa bách bệnh, cảm giác là uống thuốc hết mọi bệnh, kiểu không kiểm soát. Quảng cáo là một thuộc tính của kinh tế thị trường nhưng mình phải kiểm soát làm sao cho chuẩn, người dân tiếp cận thông tin đúng để lựa chọn, chứ quảng cáo sai sự thật, quá lên, làm cho sự lựa chọn của người dân không được chính xác", Thủ tướng lưu ý.
Nêu nguyên nhân còn tồn tại, hạn chế của ngành y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, công tác cán bộ chưa được chú trọng quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng; thực tế thì diễn biến nhanh, khó lường, nhưng xây dựng thể chế, phản ứng chính sách còn chậm; vướng mắc từ thực tế tháo gỡ chưa triệt để;...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Xây dựng, hoàn chỉnh thể chế tránh tâm lý sợ sai
Theo Thủ tướng, ngành y phải đối mặt với những khó khăn thách thức như cơ cấu bệnh tật nhiều thay đổi, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ngày càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân; xu hướng già hóa dân số đang tạo sức ép ngày càng lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế; nguồn lực đất nước còn hạn chế, trong khi chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn; xuất hiện một số dịch bệnh mới như bệnh đậu mùa khỉ, do virut…
Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành y tế thực hiện phương châm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, thương yêu chăm sóc người bệnh như là anh em ruột thịt, coi họ đau đớn như là mình đau đớn.
"Phải phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, phức tạp nhạy cảm thì càng đoàn kết chung sức đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc đoàn kết từ cán bộ cũ với cán bộ mới, tất cả những người trong ngành y tế, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, đến các anh chị em giúp việc", Thủ tướng lưu ý.
Ngành y tế phải thực hiện tốt 12 điều y đức khi triển khai nhiệm vụ, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh hơn nữa phong trào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu vì đây là thế mạnh của ngành y.
Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới ngành y tế cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đi đôi đó là xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực cán bộ.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển ngành y nhanh, bền vững; thường xuyên rà soát các văn bản vi phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắt trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...
"Xuất phát từ thực tiễn, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh thể chế để có cơ sở pháp lý mà làm, tránh sợ sai, tránh tiêu cực tham nhũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tôi đề nghị tăng cường đội ngũ để làm công tác này, mà Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, không giao thứ trưởng", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; không để tiếp tục diễn biến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài; tập trung quản lý, cấp phép gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch, khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm thì không sai đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Xã hội
Tin cùng chuyên mục