Những câu hỏi của Mỹ về giai đoạn tiếp theo trong chiến sự Nga
Cuộc chiến hao người, tốn của giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng (Ảnh: Reuters).
Giới quan sát phương Tây nhận định, Ukraine gần đây đã giành được một chiến thắng khá quan trọng trước Nga khi Kiev tái kiểm soát được thành phố chiến lược Kherson mà không cần trải qua những trận chiến khốc liệt trong môi trường đô thị.
Giờ đây, chiến thắng này đang khiến nội bộ Mỹ phải đối mặt với một câu hỏi tương đối khó trả lời: Liệu người Ukraine có nên bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga hay không?
Trong bài phát biểu hôm 9/11, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đánh giá cao thành tựu của Ukraine trong việc chặn đà tiến của Nga, thậm chí phản công thành công. Nhưng ông cũng thận trọng đánh giá rằng, một chiến thắng hoàn toàn về mặt quân sự cho Ukraine có thể ngoài tầm với vào lúc này.
"Khi có cơ hội để đàm phán, khi hòa bình có thể lập lại, hãy nắm bắt nó. Hãy nắm bắt khoảnh khắc này", ông Milley kêu gọi.
Trong những tuần gần đây, ông đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao khi cuộc chiến đang bước sang những giai đoạn có tính bước ngoặt.
Tướng Mỹ cũng nhắc lại những diễn biến của Thế chiến I, khi các bên từ chối thương lượng và kéo theo những thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
Một nguồn thạo tin nói rằng, trong các cuộc thảo luận nội bộ, ông Milley đã nêu rõ quan điểm rằng, ông không thúc giục Ukraine phải nhượng bộ Nga, mà cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để thúc đẩy con đường ngoại giao trước khi cuộc chiến tiếp tục bị kéo dài - diễn biến chắc chắc sẽ làm gia tăng thêm thương vong và tàn phá.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Milley dường như khác với các quan chức khác trong chính quyền Mỹ. Hai nguồn thạo tin nói với CNNrằng, lời kêu gọi trên chưa nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ quan chức thân cận của Tổng thống Joe Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Chưa ai trong số họ tin rằng đã tới thời điểm để thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ không bao giờ buộc người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky phải đàm phán hay nhượng bộ.
Những câu hỏi của Mỹ
Theo Bloomberg, sự khác biệt trong thông điệp này dường như phản ánh sự không chắc chắn thực sự về những câu hỏi quan trọng, bao gồm liệu một cuộc chiến kéo dài sẽ mang lại lợi ích hay thiệt hại cho Mỹ.
Đầu tiên, liệu Ukraine có giành thêm thành tựu trong phản công hay chiến sự sẽ tiếp tục kéo dài và rơi vào tình trạng bế tắc. Việc giành lại được Kharkov và thành phố Kherson mang lại lợi thế về mặt chiến lược cho Ukraine. Ông Milley cho rằng, cơ hội Ukraine giành được bất kỳ chiến thắng quân sự hoàn toàn hoặc ngắn hạn là không cao, đồng thời cảnh báo Nga vẫn có sức mạnh chiến đấu đáng kể bên trong Ukraine.
Giới quan sát nhận định, lực lượng Ukraine có thể sẽ cần nghỉ ngơi sau một thời gian chiến đấu liên tục và hao tổn không ít binh sĩ. Tuy nhiên, Ukraine đang trong áp lực phải tiếp tục phản công vì họ lo ngại nếu để Nga có thời gian, Moscow sẽ củng cố lực lượng từ hàng trăm nghìn tân binh mới động viên, xây dựng thêm phòng tuyến kiên cố, bổ sung thêm vũ khí và hậu cần. Ukraine đứng trước bài toán khó khi mùa đông sắp tới gần, và bên phản công sẽ gặp nhiều bất lợi khi tiến công trong thời tiết lạnh giá. Kịch bản cuộc chiến rơi vào tình trạng bế tắc hoàn toàn có thể xảy ra và điều này được xem sẽ có lợi cho Nga trong vài tháng tới.
Thứ 2, một câu hỏi mà giới chức Mỹ dường như đang đặt ra là liệu chiến sự sẽ leo thang tới mức nào? Nga đã sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ly khai Ukraine và cảnh báo dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ những khu vực này. Nếu Ukraine tiếp tục tiến công, căng thẳng có thể sẽ bị đẩy lên một diễn biến không thể đảo ngược. Sự kiện một tên lửa phòng không nghi của Ukraine "đi lạc" xuống Ba Lan trong thời gian qua cũng cho thấy ranh giới mong manh của việc NATO có thể bị kéo bất cứ lúc nào vào cuộc chiến. Đối đầu trực tiếp với Nga về mặt quân sự không phải kịch bản Mỹ thực sự mong muốn vì ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Thứ 3, liệu liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine có vượt qua được các thách thức trước mắt và dài hạn? Cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến nhiều quốc gia châu Âu rơi vào khủng hoảng kinh tế. Các thành công của Ukraine trên chiến trường được xem củng cố niềm tin cho các đối tác gia tăng ủng hộ Kiev.
Tuy nhiên, viễn cảnh khủng hoảng năng lượng và tổn thương dài hạn cho nền kinh tế có thể khiến liên minh này trở nên lung lay. Thậm chí, trong nội bộ Mỹ, chính quyền do đảng Dân chủ nắm quyền cũng lo ngại về kịch bản lượng viện trợ cho Ukraine có thể bị suy giảm khi đảng Cộng hòa giành được Hạ viện. Theo Bloomberg, đó có thể là lý do mà ông Milley kêu gọi Ukraine vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Nga. Nếu Ukraine muốn giành được sự ủng hộ cần thiết để chiến thắng, họ phải thể hiện rằng họ sẵn sàng để đàm phán chấm dứt nó.
Theo Bloomberg
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Thế giới
Tin cùng chuyên mục