Phong cách sống tối giản khi nhà có trẻ nhỏ qua những món đồ chơi
Nhiều người mẹ than phiền từ khi có con, nhà cửa lúc nào cũng trong tình trạng bừa bộn, lung tung bởi quá nhiều đồ chơi. Mỗi lứa tuổi con lại cần một loại đồ chơi phát triển kỹ năng khác nhau nên cha mẹ không tiếc mang chúng về. Không thể phủ nhận khi có con là mẹ nào cũng muốn "mang cả thế giới" về để con được trải nghiệm, khám phá.
Tuy nhiên, nhiều đồ chơi quá chưa hẳn đã là tốt cho sự phát triển kỹ năng và sáng tạo của trẻ. Bởi vậy, việc sống tối giản thông qua lựa chọn đồ chơi cho trẻ cũng là một lời khuyên hữu ích đối với tất cả các bậc cha mẹ có con nhỏ.
Nhược điểm khi trẻ có quá nhiều đồ chơi
1-2 năm đầu tiên là lúc các mẹ sắm sửa cho con rất nhiều đồ dùng, nhưng không ít người nhận ra nhiều đồ không thực sự cần thiết. Việc mua đồ cho bé có thể xuất phát từ nhiều lý do như: sợ con thiệt thòi so với các bạn; do ngày xưa bố mẹ không được mua nên mua cho con được trải nghiệm; đồ chơi rẻ lại giảm giá; mong con được phát triển kỹ năng một cách toàn diện...
Tuy nhiên, một đứa trẻ có quá nhiều đồ chơi sẽ bị hạn chế một số kỹ năng sau:
- Khiến trẻ mất tập trung: Khi trẻ chỉ có 1 hoặc 2 món đồ chơi, sự chú ý của chúng thường tập trung cao độ vào 2 món đồ chơi này. Chúng sẽ sáng tạo ra những cách chơi khác nhau dựa trên số lượng đồ chơi hạn chế. Trong quá trình này, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ không ngừng được nâng cao. Ngược lại, nếu bố mẹ mua nhiều đồ chơi cho con cái, mỗi ngày trẻ sẽ đối mặt với nhiều lựa chọn, dẫn đến việc khó tập trung chơi 1 thứ và thường "cả thèm chóng chán".
- Trẻ không biết nâng niu: Đối với trẻ em, khi được sở hữu một món đồ chơi yêu thích, chúng sẽ vô cùng trân trọng trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thường xuyên mua đồ chơi mới, chắc chắn chúng sẽ hình thành tâm lý "có mới nới cũ". Lâu dần, trẻ sẽ không biết trân trọng với những thứ dễ dàng có được và dễ dàng nảy sinh tính ích kỷ.
- Hạn chế khả năng sáng tạo: Việc cung cấp đồ chơi ít hơn đòi hỏi trẻ phải sáng tạo, khám phá hơn và có nhiều lợi ích hơn về sự phát triển nhận thức. Ngược lại khi có quá nhiều đồ xung quanh, trẻ em thường không biết chơi gì và cuối cùng sẽ nhảy từ món này sang món khác. Nếu giảm đồ chơi đi, chúng ta đang dạy trẻ sự cảm kích, biết ơn và trân trọng, cũng như phát triển nhiều đức tính quý khác như sự kiên trì, ngăn nắp và thích trải nghiệm thiên nhiên hơn.
Một số lời khuyên hữu ích dành cho mẹ
1. Trẻ cần không gian sống thoáng đãng thay vì nhà đầy đồ chơi
Một môi trường sống tốt sẽ không có quá nhiều đồ đạc vì chúng khó tạo luồng lưu thông không khí tốt, tạo điều kiện cho vi khuẩn, ẩm mốc, bụi bẩn phát triển nhiều hơn. Nhiều đồ đạc cũng đồng nghĩa với việc bé có ít không gian vận động, và nhiều không gian nguy hiểm (ví dụ nhiều vật dụng, hóa chất nguy hiểm, nhiều góc cạnh, nhiều tủ kệ dễ ngã, đổ...), trong khi với trẻ nhỏ, các kỹ năng vận động cần được học và phát triển liên tục.
Bố mẹ cũng biết rằng việc sống trong một không gian thoáng và rộng sẽ thoải mái về tinh thần hơn là một nơi bừa bộn, nhiều đồ. Hơn nữa, một ngôi nhà ít đồ đạc, bài trí hợp mắt sẽ tốt cho em bé trong việc phát triển tính thẩm mỹ sau này.
2. Vật dụng trong nhà cũng có thể biến thành đồ chơi
Ít đồ chơi sẽ giúp trẻ hạn chế phân tâm, trẻ có cơ hội tập trung khám phá và chơi lâu hơn với đồ chơi mình có. Từ đó, trẻ có thể tự tưởng tượng, tìm tòi cách "phát triển", chế biến đồ chơi cũ thành một món/một cách chơi hoàn toàn mới.
Song song đó, đồ chơi của trẻ cũng không nhất thiết là một món mua ở cửa hàng đồ chơi nào cả. Em bé nào cũng thích khám phá và bắt chước người lớn chạm vào và sử dụng các vật dụng trong nhà. Như vậy, chính những đồ đạc có sẵn trong gia đình đã là một kho đồ chơi vô cùng thú vị của bé rồi.
Đồ nào dễ hư hỏng hay dễ cho vào miệng thì bố mẹ chịu khó chơi cùng, giám sát khi con chơi. Trẻ sẽ không biết được việc hư hỏng, bể vỡ, bị thương, bị đau là thế nào cho đến khi được trải nghiệm thực tế, vậy nên cứ để bé thử thôi.
Chính những món đồ chơi cần sự khéo léo và kiểm soát cao đó giúp bé phát triển các kỹ năng vận động tinh và rèn luyện tính nhẫn nại tốt nhất.
3. Cha mẹ là tấm gương tốt nhất
Cha mẹ tối giản biết phân định rõ giữa những thứ mình cần và mình thích, lựa chọn có mục đích rõ ràng, thì con cũng sẽ biết hiểu bản thân và không tham lam. Cha mẹ biết sống đủ, con sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc.
4. Điều trẻ cần là thời gian và sự đồng hành của ba mẹ
Thay vì mua quá nhiều đồ chơi, điều con thích hơn là được cùng bố mẹ tham gia vào trò chơi ấy. Trẻ nhỏ cần sự tương tác và chúng sẽ phát triển tình cảm với ai dành cho chúng nhiều sự yêu thương. Thế nên đừng ngại ngần dành thời gian chất lượng cho con bố mẹ nhé. Không cần là những món đồ đắt tiền hay chuyến đi xa hoa, chỉ cần ngồi cùng nhau trò chuyện, đưa con ra công viên, đi dạo... cũng đã khiến trẻ rất vui rồi.
Tags:Không gian sống
phong cách sống
môi trường sống
khả năng sáng tạo
trí tưởng tượng
Tin cùng chuyên mục