ngoi sao, bao ngoi sao
31/01/2023 16:12

Uống cà phê khi bụng đói có hại cho bạn?


 

Cụ thể, một số người dùng Tik Tok chia sẻ uống cà phê khi bụng đói có thể gây rối loạn nội tiết tố (cortisol), dẫn đến đau bụng kinh, mụn trứng cá, đầy hơi và các tác dụng phụ không mong muốn khác. Cortisol là một loại hormone gây căng thẳng giúp kiểm soát chức năng miễn dịch, lượng đường trong máu và tâm trạng.

Một người dùng Tik Tok khác chia sẻ kinh nghiệm về việc ăn sáng trước khi uống cà phê đã cải thiện tiêu hóa, giảm đầy hơi và giúp loại bỏ mụn do nội tiết tố.

TS William R. Lovallo, Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Oklahoma (Mỹ), đã dành hơn hai thập kỷ để nghiên cứu cách cafein ảnh hưởng đến huyết áp và hormone gây căng thẳng. Ông cho biết caffein có thể được hấp thụ nhanh hơn nếu uống khi bụng đói, nhưng nó sẽ không dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố đối với hầu hết mọi người.

Uống cà phê khi bụng đói có hại cho bạn?

Uống cà phê có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy nhiên bạn không nên uống nhiều (Ảnh: CNN).

Chuyên gia dinh dưỡng Brooke Levine cũng chia sẻ với Verywell trong một email rằng không có bằng chứng chứng minh uống cà phê khi bụng đói ảnh hưởng đến mức cortisol.

"Cơ thể chúng ta sản xuất cortisol một cách tự nhiên vào buổi sáng. Điều này không liên quan đến việc uống cà phê", bà nói.

Theo cả 2 chuyên gia, hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng cà phê mang lại những lợi ích tích cực cho sức khỏe. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng caffein có chứa chất chống oxy hóa có thể bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính như mất trí nhớ.

Cà phê có gây đầy hơi không?

TS Levine cho biết: "Cafein trong cà phê có thể kích thích tiêu hóa, có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi và chướng bụng. Uống cà phê với sữa cũng có thể gây đầy hơi nếu ai đó nhạy cảm với sữa".

Trong khi đó, chuyên gia dinh dưỡng Lena Beal, Bệnh viện Piedmont Atlanta, cà phê cũng có thể làm tăng tiết axit dạ dày đối với một số người. Điều này có thể dẫn đến chứng khó tiêu và đầy hơi.

Bạn có nên ăn sáng trước khi uống cà phê không?

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng không có đủ bằng chứng để đưa ra tuyên bố dứt khoát về việc ăn sáng trước khi uống cà phê.

Thay vì tập trung vào thời điểm bạn uống cà phê liên quan đến bữa sáng, các chuyên gia khuyên bạn nên chú ý đến phản ứng của cơ thể với cafein.

"Mỗi người có phản ứng khác nhau với cafein. Nếu bạn nhất định cảm thấy không thoải mái hoặc lo lắng sau khi tiêu thụ caffein, bạn có thể chuyển sang loại cà phê không chứa cafein và thưởng thức tách cà phê của mình mà không cảm thấy khó chịu", TS Lovallo nói.

Thời điểm nên uống cà phê

Trong khi đó, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết việc uống một vài cốc cà phê ngay sau khi thức dậy có thể làm giảm tác dụng tăng năng lượng của cà phê. Nguyên nhân là ngay sau khi thức dậy, nồng độ cortisol trong cơ thể sẽ đạt mức cao nhất.

Cortisol là hormone có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo, tập trung. Đồng thời chúng cũng tham gia vào điều hòa quá trình trao đổi chất, phản ứng miễn dịch và điều hòa huyết áp. Nồng độ hormone cortisol có thể thay đổi theo chu kỳ thức - ngủ. Chúng sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 30 - 45 phút sau khi thức dậy và giảm dần trong ngày.

Do đó, thời điểm uống cà phê tốt nhất là khoảng giữa buổi sáng tới gần trưa, khi nồng độ cortisol trong cơ thể giảm dần. Nếu thức dậy vào lúc 6:30, bạn có thể uống cà phê trong khoảng 9:30 - 11.30.

Ngoài ra, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, uống nhiều cà phê sẽ không có lợi cho sức khỏe. Hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và thận luôn luôn bị kích thích ở trạng thái hưng phấn. Đặc biệt đối với những người bị bệnh tim, tăng huyết áp không nên dùng cà phê.

Đồng thời, nên dùng cà phê vào buổi sáng, không nên dùng trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, chất tanin trong cà phê cũng ức chế hấp thu sắt. Vì thế, uống nước đồ uống này ngay sau khi ăn sẽ làm giảm sự hấp thụ chất sắt từ thức ăn.

Theo Bệnh viện Mayo, người lớn không nên uống quá 400mg cafein/ngày tương đương với khoảng 4 cốc cà phê. Sử dụng quá nhiều cafein có thể gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào cafein để duy trì sự tỉnh táo.

Tags:

Đọc báo

báo điện tử dantri

Sức khỏe

Tin cùng chuyên mục